Chùa Vĩnh Tràng – Điểm đến tâm linh nổi tiếng tại Nam Bộ

Nếu bạn có dịp ghé thăm mảnh đất Tiền Giang thì đừng quên ghé thăm chùa Vĩnh Tràng nhé! Bởi đây không chỉ là một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng mà còn là nơi sở hữu nét kiến trúc Châu Âu lẫn Châu Á vô cùng đặc biệt, thu hút nhiều du khách ghé thăm. Để hiểu rõ hơn về nét đẹp trong lối kiến trúc của ngôi chùa này cũng như những trải nghiệm thú vị khi đến đây, hãy cùng Lacaloka tìm hiểu ngay bài viết dưới đây. 

Đôi nét giới thiệu về chùa Vĩnh Tràng

  • Địa chỉ: Đường Nguyễn Trung Trực, ấp Mỹ An, phường 8, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. 
  • Thời gian hoạt động: Từ 7 giờ sáng đến 21 giờ tối. 
  • Giá vé xe: 5.000 VNĐ/xe. 

Chùa Vĩnh Tràng được xây dựng bởi một vị quan dưới triều vua Minh Mạng nhà Nguyễn vào đầu thế kỷ 19 – ông Bùi Công Đạt và vị Hòa thượng Huệ Đăng. Đến năm 1984, nơi đây đã được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia. Chùa được xây dựng theo hình dáng chữ Quốc với 4 gian nối tiếp nhau là Tiền đường, Chánh điện, nhà Tổ và nhà Hậu. 

Toàn cảnh chùa Vĩnh Tràng nhìn từ trên cao
Toàn cảnh chùa Vĩnh Tràng nhìn từ trên cao

Tổng khuôn viên chùa Vĩnh Tràng rộng khoảng 20.000m2 với lối kiến trúc được xây dựng vô cùng độc đáo nhưng không kém phần nguy nga, tráng lệ. Lấy cảm hứng từ sự giao thoa giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây, phần ngoài ngôi chùa được trang trí với nhiều chi tiết, màu sắc kết hợp hài hòa giữa kiến trúc của các nước Pháp, La Mã, Miên, Thái. Chàm,… Còn nội thất bên trong ngôi chùa lại mang đậm kiến trúc Việt với hệ khung gỗ truyền thống, mái lợp ngói âm dương,…

Về tên ngôi chùa, theo Lacaloka tìm hiểu được, đây là tên mà Hòa thượng Thích Huệ Đăng đặt cho với ngụ ý cầu mong chùa được “vĩnh cửu đối sơn hà, trường tồn tề thiên địa”. Vì thế, Vĩnh Tràng thực chất là Vĩnh Trường nhưng là một cách gọi quen thuộc của người dân Mỹ Tho Tiền Giang. 

Chùa Vĩnh Tràng là một trong những ngôi chùa nổi tiếng tại khu vực Nam Bộ nên người dân, du khách hành hương thường xuyên ghé thăm. Bạn có thể đến đây cầu bình an, cầu may kết hợp vãn cảnh vào các dịp đầu năm, từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch lúc tiết trời xuân ấm áp. Tuy nhiên, đây là mùa cao điểm du lịch và thường xảy ra tình trạng đông đúc, quá tải khách tham quan nên nếu bạn yêu thích sự tĩnh lặng thì có thể lựa chọn các thời điểm khác trong năm để viếng thăm chùa. 

Nhiều bạn trẻ thích đến chùa Vĩnh Tràng để check-in
Nhiều bạn trẻ thích đến chùa Vĩnh Tràng để check-in

Lộ trình di chuyển đến chùa Vĩnh Tràng Tiền Giang

Khoảng cách từ trung tâm thành phố Hồ Chí Minh đến Tiền Giang là gần 70km. Do đó, bạn có thể đến đây thông qua cao tốc Trung Lương với tổng thời gian di chuyển tầm một tiếng rưỡi nếu đi bằng xe máy hoặc lựa chọn di chuyển bằng xe khách trong khoảng 2 tiếng rưỡi với xe khách giá từ 110.000 VNĐ/vé/chiều.  

Chỉ khoảng 10 phút là bạn sẽ đến chùa Vĩnh Tràng khi đi từ thành phố Mỹ Tho
Chỉ khoảng 10 phút là bạn sẽ đến chùa Vĩnh Tràng khi đi từ thành phố Mỹ Tho

Sau khi đến được Tiền Giang, bạn chỉ cần thuê xe máy tại khách sạn, nhà nghỉ đang ở hoặc các địa điểm cung cấp dịch vụ thuê xe tại địa phương rồi xuất phát từ trung tâm thành phố Mỹ Tho đến chùa Vĩnh Tràng. Quãng đường mà bạn cần đi khoảng 4,4km với lộ trình như sau: 

  • Đi thẳng tới đường Ấp Bắc rồi đi đến vòng xoay Ấp Bắc – Nguyễn Trãi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Trần Quốc Toản rồi đi vào đường Nguyễn Trãi. 
  • Qua cầu Nguyễn Trãi đến đường Nguyễn Văn Giác. Đến cuối đường thì rẽ trái vào đường Nguyễn Trung Trực. Tại ngã ba đầu tiên ngay công viên Vĩnh Tràng, đi theo hình zigzag đến cuối đường thì sẽ thấy chùa Vĩnh Tràng ở bên trái. 

Xem thêm : Chùa Thác Bờ – Kinh nghiệm tham quan chi tiết từ A đến Z 

Hành trình khám phá vẻ đẹp độc đáo trong kiến trúc chùa Vĩnh Tràng 

 Kiến trúc ấn tượng của ngôi chùa cổ nổi tiếng nhất nhì Nam Bộ

Chùa Vĩnh Tràng gây ấn tượng đầu tiên với du khách gần xa bởi quy mô bề thế, lối kiến trúc, trang trí vô cùng tinh xảo. Trên diện tích gần 20.000m2, chùa được chia làm nhiều khu vực như Phật đài A di đà, chánh điện chính, vườn tháp, đài quan âm, phòng phát hành kinh sách,…

Ở khu vực phía trước chùa có 2 cổng tam quan kiểu võ với quy mô vô cùng tráng lệ được xây dựng vào năm 1933 theo lối kiến trúc cổ lầu. Điểm độc đáo của cổng tam quan này là nghệ thuật ghép các mảnh sành sứ cổ để tái hiện lịch sử nhà Phật với đầy đủ hình dáng long, lân, quy, phượng, tiều, ngư, canh, mục,… vô cùng ấn tượng, đặc sắc. Ngôi chùa này được xây dựng với lối kiến trúc tổng hợp, giao thoa giữ nhiều nền văn hóa Á – Âu như La Mã, Pháp, Thái, Chàm, Miên…

Cổng chùa Vĩnh Tràng xưa và nay
Cổng chùa Vĩnh Tràng xưa và nay

Các cột trụ và dọc hành lang ở phía bên trái chùa được trang trí khiến bạn cảm tưởng như bước trong một hành lang ở trời Âu. Ở phía trước bên ngoài chánh điện, những họa tiết hoa văn thời Phục Hưng hay vòm cửa kiểu La Mã sẽ khiến bạn kinh ngạc. Một bên là bông sắt của Pháp, gạch men của Nhật hoặc chữ Hán viết theo lối triện cổ cùng chữ quốc ngữ theo lối chữ Gô-tích hài hòa với nhau. Nhờ sự kết hợp hài hòa, ấn tượng này mà đến nay, dù đã qua nhiều năm tuổi nhưng chùa Vĩnh Tràng vẫn tạo nên một sự hấp dẫn đặc biệt đối với du khách thập phương.

Chiêm ngưỡng những pho tượng khổng lồ tại chùa Vĩnh Tràng

Không chỉ nổi tiếng với lối kiến trúc đặc biệt, chùa Vĩnh Tràng còn nổi tiếng với những bức tượng Phật được thếp vàng óng ánh. Dưới đây là một số ví dụ điển hình:

Tượng Phật Di Lặc: Bức tượng này được khánh thành vào năm 2010 và được làm bằng chất liệu bê tông, cốt thép với chiều cao lên đến 20m, nặng khoảng 250 tấn. Phía trong bức tượng được tận dụng thiết kế cơ quan làm việc của Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh Tiền Giang với giảng đường và nơi nghỉ ngơi phục vụ cho 200 người.

Tượng Phật Di Lặc nặng 250 tấn sững sừng giữa khuôn viên chùa
Tượng Phật Di Lặc nặng 250 tấn sững sừng giữa khuôn viên chùa

Tượng phật A di đà: Pho tượng Phật này được khánh thành vào năm 2008 với chiều cao tính từ chân lên đỉnh là 18m, bệ cao 7m và nặng đến 150 tấn. 

Tượng phật Thích Ca nằm: Nhiều du khách vãn cảnh chùa Vĩnh Tràng thường nhầm lẫn pho tượng này là tượng phật A di đà. Tượng phật này được hoàn thành vào năm 2013 với chiều cao 10m, dài 32m và nặng tới 250 tấn. 

Tòa tháp cao 7 tầng: Ngoài các bức tượng Phật khổng lồ, chùa Vĩnh Tràng còn có tòa tháp nằm phía sau vô cùng đặc biệt. Bởi tòa tháp 7 tầng này chính là nơi lưu giữ tro cốt của các Phật tử, chư tăng trong chùa Vĩnh Tràng. 

Hy vọng rằng những thông tin mà lacaloka tổng hợp được về chùa Vĩnh Tràng trên sẽ giúp bạn có một hành trình đáng nhớ với ngôi chùa cổ xinh đẹp này. Ngoài ra, khi đi du lịch Tiền Giang cũng đừng quên ghé thăm nhiều địa điểm thú vị khác như chợ nổi Cái Bè, nhà cổ Ông Kiệt…. nhé!